QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

238 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 4731

  • Tổng 6.569.773

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch triển khai chương trình cho vay Người chấp hành xong án phạt tù

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch đã triển khai chương trình cho vay vốn đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp người từng lầm lỡ trở về có việc làm, thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-10-2023. Theo đó, đối tượng vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Còn cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở...

Để chương trình tín dụng đạt hiệu quả, NHCSXH huyện Quảng Trạch đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó có đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định. Tích cực đồng hành với những người từng lầm lỡ để họ có trách nhiệm và ý thức phấn đấu làm ăn, tiết kiệm để hoàn vốn sau khi vay.

Năm 2022, anh H.A.Dũng, ở xã Cảnh Hóa đã chấp hành xong án phạt tù. Trở về địa phương, anh mong muốn tìm được cho mình công việc chân chính, song ban đầu anh gặp nhiều trở ngại do không có vốn. Để giúp anh Dũng tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống nhà để tìm hiểu nhu cầu làm ăn, bảo lãnh, tín chấp giúp anh vay vốn từ chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù. Chị M.T. Thuyết là vợ anh Dũng đứng ra vay vốn cho anh với số tiền được vay 100 triệu đồng. Số tiền vay được, anh chị đã đầu tư vào sửa chữa, nâng cấp xe ô tô kinh doanh dịch vụ chở khách.

Anh Dũng tâm sự: Tôi không có vốn, tìm việc làm tự do cũng không đơn giản vì mình mới ra tù còn nhiều mặc cảm. Nhiều lúc tôi cũng thấy rất buồn nhưng nhờ chính quyền địa phương, NHCSXH tin tưởng, tạo điều kiện cho gia đình tôi mà giờ tôi đã có việc làm cho bản thân. Tuy thu nhập hằng ngày không nhiều, song tiết kiệm thì cũng đủ chi tiêu hàng ngày và dành dụm trả dần vốn vay.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch cho biết: Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn theo quy định của Chính Phủ. Đây là chủ trương, chương trình cho vay rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, nguồn vốn chính sách đã mang lại những thay đổi tích cực đối với cuộc sống người dân, kịp thời làm chỗ dựa cho người mới ra tù có cơ hội làm lại cuộc đời. Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đấu mối với công an huyện, chính quyền địa phương để triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay này.

Trên thực tế, còn nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội, thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Do đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý... thì việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là cách góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

                                                                               Trần Anh Tuấn

                                                       Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch

Các tin khác