QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

238 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 36

  • Hôm nay 2708

  • Tổng 6.869.936

Quảng Trạch trước vận hội mới

Font size : A- A A+
(Website Quảng Trạch) - Huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) có nhiều tiềm năng về đất đai, nguồn tài nguyên khoáng sản… để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế - xã hội địa phương

 

Quảng Trạch - vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế

Huyện Quảng Trạch có tổng diện tích 613 km2, dân số 207.405 người (số liệu năm 2008). Ở phía bắc, Quảng Trạch giáp với tỉnh Hà Tĩnh, phía nam giáp huyện Bố Trạch, phía tây giáp với huyện Tuyên Hóa và phía đông giáp với biển Đông. Là một huyện đồng bằng, nhưng Quảng Trạch có cả đồi núi và biển. Huyện Quảng Trạch có đường sắt, Quốc lộ 1A và 12A đi qua; có tuyến đường thủy nội địa trên sông Gianh và sông Roòn. Quảng Trạch có nguồn nước mặt phong phú với hệ thống sông, suối, hồ đập khá dày đặc… Toàn huyện có 3 hồ chứa nước lớn có dung tích thiết kế trên 35 triệu m3 nước và 40 hồ đập nhỏ, hệ thống trạm bơm điện Rào Nan cùng 26 trạm bơm điện nhỏ, phân bổ rải rác trong toàn huyện, hàng năm phục vụ tưới tiêu cho 9.500 ha lúa.

Tài nguyên đất đai của huyện khá đa dạng, đất đồi núi chiếm 59,7%, đất đồng bằng chiếm 28,6%, đất cát nội địa chiếm 5,1%. Diện tích đất đồi núi chưa sử dụng còn rất lớn là tiềm năng để phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, trồng rừng. Diện tích đồi núi đá (chủ yếu là núi đá vôi) có thể khai thác làm vật liệu xây dựng.

Với 32,4 km bờ biển, Quảng Trạch là huyện giàu tài nguyên biển, có vịnh nước sâu Hòn La với nhiều lợi thế để phát triển vận tải biển, công nghiệp đóng tàu và các dịch vụ phục vụ cho nghề biển.

Ngư trường Quảng Trạch có nguồn hải sản phong phú, trong đó nhiều hải sản có giá trị cao như tôm hùm, mực nang, mực ống...; các loại cá ngon như cá chim, cá thu, cá nhụ, cá đé...

Ven bờ biển, huyện còn có nhiều điểm thích hợp để phát triển nghề nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ.

Không chỉ có vậy, Quảng Trạch còn có nhiều cảnh quan đẹp như khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, khu Hoành Sơn Quan, đền Công Chúa Liễu Hạnh... rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa.

Ngoài ra, Quảng Trạch còn có các làng nghề truyền thống như đan lát, làm nón, làm bún bánh, mộc mỹ nghệ... ở các xã Quảng Thọ, Quảng Tân, Quảng Văn và Quảng Phương, Quảng Thanh, Quảng Hòa... không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn là nét văn hóa rất riêng của con người vùng đất này, phục vụ tốt cho du lịch.

Quảng Trạch có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú đa dạng với mỏ cát thủy tinh tập trung ở Thị trấn Ba Đồn, Quảng Phương, Quảng Tiến, Quảng Hưng (có trữ lượng khoảng 15 - 17 triệu m3); mỏ đất sét ở Quảng Châu, Quảng Tiến (với trữ lượng ước tới 42 triệu m3); mỏ đá vôi photphorit; mỏ vàng, mỏ sắt ở Quảng Hợp, mỏ titan ở Quảng Đông... tạo tiền đề cho ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp nặng phát triển.

Quảng Trạch có hơn 95.800 lao động, chiếm 49,8 % dân số có đặc điểm rất cần cù, chịu khó, sáng tạo, trong đó đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có khả năng tiếp thu nhanh kiến thức khoa học - công nghệ tiên tiến.

Phát huy những tiềm năng và lợi thế riêng của mình, sau hơn 20 năm đổi mới, Quảng Trạch đã từng bước xây dựng được khá hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là ở huyện lỵ, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thị trường ngày càng phát triển đa dạng… Đó là nền tảng và cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong các năm tới.

Nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư

Phát triển giao thông và mạng lưới điện được huyện Quảng Trạch coi là điều kiện tiên quyết của quá trình công nghiệp hóa.

Với kế hoạch phát triển hệ thống giao thông đến năm 2020, Quảng Trạch sẽ hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông thủy, bộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách với các tỉnh, thành khác trong nước và giữa các xã trong huyện; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đò ngang, đò dọc trên các tuyến sông; hoàn thiện hệ thống giao thông liên thôn, liên xã… Huyện sẽ chú trọng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình như Rào Nan, hồ Vực Tròn, hồ Trung Thuần...; đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi như đập dâng Khe Đá (Quảng Minh), Khe Am (Quảng Tiến), khe Xai (Quảng Sơn), đập Sùng Mè (Cảnh Hóa)...

Trong phát triển mạng lưới điện, Quảng Trạch tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới điện gồm đường dây cao thế, trạm biến thế trung gian, các trạm hạ thế, lưới phân phối điện hạ thế phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, mở rộng mạng điện đến các khu dân cư mới, thôn bản của các xã miền núi, ven biển. Hiện Trung tâm Điện lực Quảng Trạch ở Khu kinh tế Hòn La (công suất 2.400 MW) đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng.

Trong xây dựng đô thị, huyện sẽ phát triển hệ thống đô thị theo hướng mở rộng Thị trấn Ba Đồn thành thị xã, gồm Thị trấn Ba Đồn cùng các xã Quảng Thuận, Quảng Thọ, Quảng Phúc, Quảng Long, Quảng Phong và thôn Xuân Kiều (Quảng Xuân).

Huyện tập trung xây dựng Khu kinh tế Hòn La gồm 6 xã Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Quảng Hưng, Cảnh Dương, Quảng Xuân và đưa khu kinh tế này trở thành khu kinh tế động lực Bắc Quảng Bình. Thị xã Ba Đồn sẽ liên kết với Khu kinh tế Hòn La tạo nên một quần thể đô thị lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài.

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn dự kiến là 12.043 tỷ đồng cho giai đoạn 2009-2020, bên cạnh việc nỗ lực huy động nguồn vốn tại chỗ, huyện Quảng Trạch sẽ ban hành các chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài một cách tích cực, có hiệu quả. Đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ…. Ngoài ra, huyện sẽ ban hành các chính sách phát triển kinh tế cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng khuyến khích đầu tư phát triển kinh doanh; thúc đẩy thị trường trong huyện phát triển, mở rộng quan hệ thương mại với các huyện trong tỉnh, các tỉnh trong nước và quốc tế.

Quảng Trạch tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Quảng Trạch để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển dịch vụ du lịch, ngành nghề, hệ thống giáo dục các cấp, y tế... Các dự án mới cùng với nhiều dự án lớn đang triển khai như nhà máy sản xuất thủy tinh cao cấp tại Quảng Xuân, các cơ sở sản xuất phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô và các phụ kiện máy móc khác tại Quảng Phú, sẽ tạo ra bước phát triển liên hoàn với Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, cảng vụ sông Gianh… Nhờ có Quốc lộ 1A và đường Xuyên Á, huyện sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi hàng hóa với các nước Lào, Thái Lan và Myanmar... để cùng với tỉnh Quảng Bình và cả nước ngày càng tham gia tích cực, sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

                                                                                                               Theo baodautu.vn

More