QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

236 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 679

  • Tổng 6.554.125

Kết quả sau 03 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở Quảng Trạch

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành. Để triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan, trên cơ sở các Kế hoạch của UBND tỉnh và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp Quảng Bình, UBND huyện Quảng Trạch đã kịp thời ban hành các Kế hoạch ([1]), Công văn chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn áp dụng các biện pháp quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) cho các phòng, ban, ngành, địa phương trong huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định, trong đó phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành, UBND các xã, như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, xác định lĩnh vực, nội dung trọng tâm, tổ chức kiểm tra, khảo sát, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai..., đồng thời giao trách nhiệm cho phòng Tư pháp tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện. Một số kết quả đạt được trong thời gian qua như sau:

Một là, kịp thời cũng cố kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế; điều kiện, cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ XLVPHC và TDTHPL.

UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2727/2015/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp huyện Quảng Trạch (thay thế Quyết định số 3597/2014/QĐ-UBND ngày 17/10/2014) trong đó giao phòng Tư pháp có nhiệm vụ giúp UBND huyện trong công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời chỉ đạo các phòng ban, địa phương phân công, bố trí cán bộ đầu mối phụ trách công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHV và TDTHPL. Đến nay, trên địa bàn huyện có 40 cán bộ, công chức đầu mối trong các phòng ban ngành, UBND các xã phụ trách công tác XLVPHV và TDTHPL theo thẩm quyền. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về XLVPHC và TDTHPL được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, UBND huyện và UBND các xã cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như trang bị đầy đủ máy tính, máy in, kết nối mạng internet, hỗ trợ kinh phí... cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác XLVPHC và TDTHPL nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn công tác XLVPHC và TDTHPL và hướng dẫn các văn bản thi hành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn về kĩ năng, nghiệp vụ trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính được UBND huyện chú trọng với nhiều hình thức phù hợp, đối tượng phong phú, đa dạng như tổ chức các hội nghị tuyên truyền tới tận các xã, các thôn; hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo và cán bộ đầu mối làm công tác XLVPHC và TDTHPL và cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính các phòng ban, đơn vị và UBND các xã.

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) huyện ban hành kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật nói chung, trong đó đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản QPPL về TDTHPL và XLVPHC như: Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật. Chỉ đạo hướng dẫn thẩm quyền, quy trình, thủ tục theo dõi thi hành pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhất là xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, áp dụng biện pháp xử lý tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Kết quả, trong 3 năm (2013 - 2015), UBND huyện đã tổ chức 40 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về XLVPHC và TDTHPL thu hút hơn 12.000 người tham gia; phối hợp với Sở Tư pháp cử hơn 60 lượt cán bộ, công chức ở các phòng ban, địa phương tham gia tập huấn chuyên sâu về XLVPHC và TDTHPL, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình của huyện và hệ thống truyền thanh của các xã với hàng nghìn lượt; tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn pháp luật thông qua việc xử lý các nhân, tổ chức vi phạm hành chính; cấp phát hàng trăm biểu mẫu, hồ sơ thủ tục ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP cho các cán bộ đầu mối ở các phòng ban, đơn vị và các địa phương trong huyện.

Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành được chính quyền các cấp trên địa bàn huyện quan tâm, chỉ đạo, do đó đã góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong công tác TDTHPL và XLVPHC của cán bộ, công chức, nhất là những người làm công tác quản lý, người trực tiếp thực hiện công tác XLVPHC cũng như thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Ba là, công tác kiểm tra, thanh tra và phối hợp trong quản lý nhà nước về công tác TDTHPL và XLVPHC được chú trọng và tăng cường.

Hằng năm, UBND huyện đều xây dựng Kế hoạch và thành lập các đoàn   thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác TDTHPL và XLVPHC trên các lĩnh vực ([2]). Trong đó, chú trọng các lĩnh vực trọng tâm như: Tài nguyên - môi trường, khoáng sản, an ninh trật tự, y tế, giải phóng mặt bằng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trên địa bàn... Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật cũng như tình hình thi hành các quyết định xử phạt hành chính đối với các đối tượng bị xử phạt. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi các quy định của pháp luật, qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định góp phần thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về XLVPHC và TDTHPL.

Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về triển khai công tác TDTHPL và quản lý XLVPHC giữa phòng Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND các xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan bảo đảm thường xuyên. Ngoài ra, công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL huy động được sự tham gia của cơ quan điều tra, các cơ quan tố tụng, như Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Công tác phối hợp tập trung vào các nội dung như: Hoạt động kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, khảo sát, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổng hợp báo cáo...Qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL.

Thứ tư, tình hình và kết quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

 Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn huyện phát sinh ngày càng nhiều với các biểu hiện đa dạng và phức tạp trên tất cả các mặt đời sống xã hội. Các hành vi phạm chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: Xây dựng; quản lý đất đai, lĩnh vực điện lực..., bên cạnh đó các vi phạm về các quy định theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội trong đó các hành vi vi phạm tập trung là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng...

- Tính từ từ ngày 01/7/2013 - 30/6/2016, tổng số vụ việc vi phạm trên địa bàn toàn huyện phát hiện 461 vụ vi phạm hành chính ([3]); chuyển xử lý bằng hình thức khác 16 vụ ([4]) (chiếm 3,5%). Có 586 đối tượng bị xử phạt ([5]). Đối tượng vi phạm chủ yếu là người thành niên, chiếm 88,9%. Các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền đã ban hành 580 quyết định ([6]) xử phạt vi phạm hành, với tổng số tiền phạt thu trên 595.800.000đ. Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Đã áp dụng 39 biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu; 04 biện pháp tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; 41 biện pháp tháo dỡ công trình vi phạm.

Nhìn chung, các vụ việc vi phạm xảy ra trên các lĩnh vực đều được các cơ quan, đơn vị phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm không để dây dưa kéo dài. Các đối tượng vi phạm đa phần đều tự nguyện chấp hành theo quyết định xử phạt của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền, không xảy ra tình trạng oan sai, khiếu kiện. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đảm bảo khách quan, đúng người, đúng pháp luật, đã có tác dụng giáo dục, răn đe mọi đối tượng.

* Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện Luật XLPVHC và TDTHPL:

- Thuận lợi: Trong quá trình triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã được triển khai kịp thời và hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Việc theo dõi thi hành pháp luật và xử phạt, áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đã đảm bảo đúng đối tượng, đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực hành chính, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, nhận được sự đồng tình của cộng đồng, quần chúng nhân dân và của chính đối tượng vi phạm.

- Khó khăn: Nhận thức pháp luật của một số cán bộ, công chức và nhân dân về quản lý XLVPHC và TDTHPL, nhất là những đối tượng vi phạm pháp luật còn hạn chế, có một số đối tượng sau khi bị xử phạt cố tình chây lỳ, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt; sự phối kết hợp giữa các ban ngành, các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL có việc chưa chặt chẽ, thiếu đôn đốc, kiểm tra thi hành quyết định xử phạt vi phạm; cán bộ đầu mối phụ trách, tham mưu của một số đơn vị, địa phương chưa nắm bắt kịp thời các quy định của luật XLVPHC và TDTHPL nên có việc còn lúng túng trong quá trình áp dụng cũng như việc sử dụng các mẫu biểu trong khi xử phạt hành chính. Trang thiết bị làm việc phục vụ công tác quản lý XLVPHC và TDTHPLmột số nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

- Bên cạnh đó, còn có những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ trong việc thực hiện công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL, đó là:

Thứ nhất, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế vẫn còn chậm sau khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012, dẫn đến việc áp dụng thực hiện còn lúng túng trong hoạt động của địa phương. Cụ thể sau 02 năm Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực, Thông tư 14/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết Nghị định này mới được ban hành, có hiệu lực thi hành 01/7/2014.

Nhiệm vụ quản lý nhà nước về TDTHPL và quản lý XLVPHC được quy định tại Điều 17 Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 81/2013/NĐ-CP, nhưng cơ chế quản lý, các điều kiện đảm bảo cho công tác này chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có hướng dẫn về kinh phí cho quản lý XLVPHC .

Thứ hai, thiếu những quy định cụ thể về cách thức phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi THPL; việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân; việc xã hội hóa hoạt dộng theo dõi tình hình THPL.

Thứ ba, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ quản lý XLVPHC và TDTHPL, coi đây là nhiệm vụ của ngành tư pháp nên chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Hình thức tham gia các hoạt động quản lý XLVPHC và TDTHPL của các cơ quan, tổ chức còn hạn chế, chủ yếu cung cấp thông tin khi được cơ quan tư pháp thuộc UBND các cấp đề nghị; việc huy động công tác viên TDTHPL nhìn chung còn hạn chế.

Thứ tư, chưa có chế tài xử lý trong trường hợp cơ quan, tổ chức không xử lý kết quả TDTHPL do UBND các cấp kiến nghị, mặc dù theo quy định thì UBND các cấp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi THPL.

Thứ năm, hoạt động XLVPHC và TDTHPL trong phạm vị quản lý ở địa phương là nhiệm vụ mới của cơ quan Tư pháp ở địa phương, trong khi biên chế thực hiện các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp vẫn còn hạn chế. Đối với cấp huyện, biên chế của phòng Tư pháp từ 5-6 người (bao gồm cán bộ, công chức, người lao động làm việc theo hợp đồng) thì công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL tại phòng bố trí 01 cán bộ công chức thực hiện nhưng còn kiêm nhiệm. Đối với cấp xã, có từ 1- 2 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trong lúc đó nhiệm vụ tư pháp ngày càng tăng, mở rộng quy mô, thẩm quyền, bên cạnh đó, trình độ, năng lực cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL ở cấp xã còn hạn chế, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác TDTHPL và XLVPHC .

 * Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL trong thời gian tới:

- Bộ Tư pháp cần chú trọng phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện thể chế về công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL, đặc biệt có những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TDTHPL và XLVPHC trong thực tiễn. Trong đó, vấn đề trước mắt là có văn bản hướng dẫn chi tiết của liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về ngân sách, tài chính cho nhiệm vụ này; ban hành tiêu chí đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật; xác định những hình thức kỷ luật, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TDTHPL và quản lý XLVPHC nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước và sự nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, cần sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật về XLVPHC và TDTHPL bảo đảm hệ thống pháp luật về XLVPHC ngày càng hoàn thiện, thống nhất, có tính khả thi cao trong thực tiễn. Kịp thời hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đề đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đất đai, xây dựng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, hộ tịch, hộ khẩu, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân....

- Sớm ban hành Quy chế liên ngành giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND các cấp và các cơ quan liên quan (như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc....), trong đó cần làm rõ một số nội dung về phối hợp, cung cấp thông tin, trao đổi văn bản, tài liệu, báo cáo, số liệu thống kê; phối hợp kiểm tra; xây dựng văn bản có liên quan...

- Sở Tư pháp cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL của các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác.

- Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác XLHC và TDTHPL cũng như trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và nhân dân ở cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức và tạo ra ý thức, trách nhiệm cao trong chấp hành pháp luật.

- Đẩy mạnh việc quán triệt cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò, trách nhiệm triển khai nhiệm vụ quản lý XLVPHC và TDTHPL; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL ở các cấp, các ngành. Trong đó, cần bổ sung 01 biên chế cho phòng Tư pháp cấp huyện để thực hiện công tác quản lý XLVPHC và TDTHPL theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan Tư pháp địa phương.

HVC



(1).Kế hoạch số 447/KH-UBND ngày 31/5/2013 về việc triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật Luật Xử lý vi phạm hành chính; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2015 về theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính năm 2015; Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2015 để theo dõi thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2015; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 29/01/2016 về việc quản lý xử lý vi phạm hành chính năm 2016; Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 29/01/2016 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính.

 

([2]).Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 10/3/2016 về việc kiểm tra, xử lý hoạt động về chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trên địa bàn; Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 16/3/2016 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn huyện.

([3]) .Trong đó đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 429 vụ (chiếm 93%); chưa tiến hành xử phạt 16 vụ (chiếm 3,5%).

([4]) Trong đó truy cứu trách nhiệm hình sự 10 vụ, áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 06 vụ).

([5]) Trong đó có 9 tổ chức (chiếm 1,5%) và 577 cá nhân (chiếm 98,5%).

([6]) Trong đó đã thi hành là 576 quyết định (chiếm 99%); số quyết định chưa thi hành xong là 04 quyết định (chiếm 01%)

 

Các tin khác