QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

236 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 985

  • Tổng 6.540.824

Hướng dẫn một số nội dung trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 18/02/2022, UBND huyện Quảng Trạch ban hành Công văn số 152/UBND-TP về việc hướng dẫn một số nội dung trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:

1. Về văn bản thuộc đối tượng rà soát

Văn bản thuộc đối tượng rà soát là các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND huyện và HĐND cấp xã (Nghị quyết), UBND huyện và UBND cấp xã (Quyết định).

2. Về trách nhiệm rà soát văn bản QPPL

Đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện phối hợp với Ban pháp chế HĐND cấp huyện và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát văn bản của UBND, HĐND cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; hướng dẫn Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức rà soát văn bản do HĐND và UBND cấp mình ban hành.

3. Xác định căn cứ rà soát văn bản

Việc rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên khi có các căn cứ sau:

3.1. Xác định văn bản là căn cứ để rà soát và văn bản cần rà soát

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành văn bản được sử dụng làm căn cứ ban hành một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản có văn bản là căn cứ ban hành được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ngưng hiệu lực, đình chỉ văn bản được dẫn chiếu trong nội dung của một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản có chứa nội dung được dẫn chiếu đến văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.

- Văn bản có quy định liên quan đến một hoặc nhiều văn bản ban hành trước đó là căn cứ để rà soát; văn bản được ban hành trước đó là văn bản cần rà soát.

3.2. Xác định tình hình phát triển kinh tế - xã hội là căn cứ rà soát văn bản

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội là căn cứ rà soát văn bản được xác định trên cơ sở các tài liệu, thông tin sau:

- Điều lệ, cương lĩnh, nghị quyết, thông tri, chỉ thị, tài liệu chính thức khác của Đảng; văn bản, tài liệu chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến văn bản được rà soát;

- Kết quả điều tra, khảo sát; thông tin kinh tế - xã hội; số liệu và báo cáo thống kê; thông tin, số liệu thực tiễn, tài liệu khác liên quan đến văn bản được rà soát do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

4. Về cách thức và nội dung rà soát:

4.1. Rà soát theo căn cứ là văn bản pháp lý

Cơ quan rà soát phải tiến hành xác định, tập hợp những nghị quyết, quyết định có nội dung liên quan đến văn bản là căn cứ rà soát nêu tại khoản 3.1 Mục 3 Công văn này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. Khi đã xác định, tập hợp đầy đủ các nghị quyết, quyết định thì tiến hành xem xét, đánh giá các nội dung sau:

- Xem xét, đánh giá phần căn cứ ban hành của từng nghị quyết, quyết định, xem những văn bản này đã được thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành bởi những văn bản nào và những văn bản khác mới được ban hành có nội dung liên quan đến quy định của nghị quyết, quyết định được rà soát.

- Xem xét, đánh giá hiệu lực của nghị quyết, quyết định được rà soát. Văn bản được xác định hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần được đưa vào danh mục để công bố theo quy định tại Điều 157 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Văn bản được xác định còn hiệu lực thì tiếp tục được rà soát về thẩm quyền và nội dung theo hướng dẫn dưới đây.

+ Xem xét, đánh giá thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung của nghị quyết, quyết định được rà soát.

+ Xem xét, đánh giá nội dung của nghị quyết, quyết định được rà soát để xác định quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ rà soát.

4.2. Rà soát theo căn cứ là tình hình phát triển kinh tế - xã hội

- Ngay sau khi tình hình kinh tế - xã hội có sự thay đổi có thể làm cho nội dung của văn bản không còn phù hợp, cơ quan rà soát tiến hành xác định, tập hợp những nghị quyết, quyết định có đối tượng, phạm vi điều chỉnh liên quan đến sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội để rà soát.

- Xem xét, đối chiếu nội dung nghị quyết, quyết định được rà soát với các thông tin, tài liệu, văn bản là căn cứ xác định sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội nhằm xác định nội dung không còn phù hợp.

5. Lập hồ sơ rà soát văn bản

Hồ sơ rà soát văn bản gồm các tài liệu sau:

- Văn bản được rà soát.

- Văn bản là căn cứ rà soát; tài liệu liên quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

- Phiếu rà soát văn bản theo Mẫu số 01 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trong trường hợp văn bản được rà soát có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản là căn cứ rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

- Dự thảo báo cáo kết quả rà soát trình UBND cùng cấp, trong đó đánh giá về hiệu lực, thẩm quyền ban hành, nội dung trái, chồng chéo, mâu thuẫn của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kiến nghị xử lý. Trường hợp kết quả rà soát văn bản có nội dung phức tạp, cơ quan rà soát tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện kết quả rà soát; đối với kết quả rà soát nghị quyết, cơ quan rà soát tổ chức lấy ý kiến của Ban pháp chế HĐND cùng cấp.

- Dự thảo văn bản của UBND kiến nghị HĐND xử lý văn bản (đối với văn bản được rà soát là Nghị quyết).

- Các tài liệu khác có liên quan.

6. Lấy ý kiến của cơ quan Tư pháp đối với kết quả rà soát văn bản

Sau khi có kết quả rà soát văn bản, cơ quan rà soát văn bản gửi hồ sơ rà soát lấy ý kiến của Phòng Tư pháp (đối với cấp huyện) trước khi trình UBND cấp huyện kết quả rà soát văn bản.

7. Xử lý đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật

Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan rà soát văn bản có trách nhiệm tham mưu UBND xử lý hoặc tham mưu UBND trình HĐND xử lý văn bản theo các hình thức xử lý quy định tại Điều 143 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

8. Công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực

Sau khi rà soát, các cơ quan chuyên môn gửi kết quả rà soát về UBND huyện (đối với cấp huyện) qua Phòng Tư pháp để tổng hợp tham mưu Chủ tịch UBND huyện lập danh mục công bố văn bản văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc trách nhiệm rà soát của mình.

Các tin khác