QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

236 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1304

  • Tổng 6.512.502

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Phòng Tư pháp huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

I. CÁC VĂN BẢN LÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
2. Luật Đất đai năm 2013;
3. Luật Xây dựng năm 2014;
4. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, Sửa đổi một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP.
5. Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (sau đây viết tắt Nghị định số 102/2014/NĐ-CP) (Nghị định này đã bị thay thế bởi Nghị định số 91/2019/NĐ-CP);
6. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (sau đây viết tắt Nghị định số 139/2017/NĐ-CP);
7. Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
8. Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (sau đây viết tắt Thông tư số 03/2018/TT-BXD).
9. Các văn bản khác về đất đai, xây dựng: văn bản về quy hoạch; Văn bản của Bộ Xây dựng quy định về về quy chuẩn xây dựng Việt Nam...
II. TRƯỜNG HỢP VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG
Đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi xây dựng công trình không phép, trái phép thì trước khi lập Biên bản vi phạm hành chính, UBND cấp xã hoặc người có thẩm quyền phải xác minh tính pháp lý của khu đất hoặc thửa đất đó. Nếu hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi lấn, chiếm đất đai; hoặc hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo quy định của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh lực đất đai. Mỗi công trình vi phạm trật tự xây dựng phải được xác định gắn liền với một thửa đất, số tờ bản đồ cụ thể để từ đó xác minh tính pháp lý của khu đất hoặc thửa đất có công trình vi phạm.
Trường hợp sau khi kiểm tra thấy khu đất có công trình xây dựng là đất hành lang đường bộ, hành lang đường sắt (theo quy định về hành lang đường bộ, đường sắt) thì lập hồ sơ xử lý về hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Điều 12...).
Hoặc công trình xây dựng vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi thì lập hồ sơ xử lý về hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều theo quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều (Điều 17...)
III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG
Khi phát hiện có hành vi vi phạm, trước khi tiến hành lập biên bản thì người có thẩm quyền lập biên bản thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người vi phạm dừng, chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra (nên lập thành Biên bản ghi nhận việc cá nhân, tổ chức đã chấm dứt hành vi (dừng thi công, dừng san ủi...), hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục như tự nguyện tháo dỡ ...). Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính theo trình tự dưới đây.
1. Lập biên bản vi phạm hành chính
* Quy trình lập biên bản vi phạm hành chính: Để lập được biên bản vi phạm hành chính (VPHC) phải bắt đầu từ việc phát hiện hành vi vi phạm => đánh giá tính chất của hành vi vi phạm => lựa chọn các quy định pháp luật để xác định hành vi vi phạm và căn cứ xử lý hành vi vi phạm, thẩm quyền, thủ tục lập biên bản (Trường hợp chưa đủ cơ sở để khẳng định có hành vi vi phạm, có căn cứ áp dụng thì người có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra hoặc biên bản sự việc tại nơi có hành vi vi phạm (nội dung biên bản gần như mẫu biên bản VPHC). Khi đủ cơ sở để khẳng định có hành vi vi phạm, có căn cứ pháp lý áp dụng) => lập biên bản VPHC.
Lưu ý: Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định:
- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.
* Biên bản VPHC lập theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ, Sửa đổi một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP.
Riêng đối với hành vi vi phạm tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (XPVPHC hoạt động xây dựng) thì lập Biên bản VPHC theo mẫu số 01 Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
* Thẩm quyền lập Biên bản VPHC:
- Đối với lĩnh vực đất đai: Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, cụ thể:
+ Đối với cấp xã: Chủ tịch UBND cấp xã; công chức, viên chức thuộc UBND cấp xã hoặc cơ quan khác đang thi hành công vụ, nhiệm vụ (công chức địa chính- xây dựng; trưởng công an xã...);
+ Đối với cấp huyện: Chủ tịch UBND cấp huyện; công chức, viên chức thuộc UBND cấp huyện hoặc cơ quan khác đang thi hành công vụ, nhiệm vụ;
+ Đối với cấp tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh; Chánh thanh tra Sở; thanh tra viên Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành.
- Đối với hoạt động xây dựng: Theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, cụ thể:
+ Đối với cấp xã: Chủ tịch UBND cấp xã; công chức, viên chức thuộc UBND cấp xã hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...(công chức địa chính- xây dựng; trưởng công an xã...);
+ Đối với cấp huyện: Chủ tịch UBND cấp huyện; công chức, viên chức thuộc UBND cấp huyện hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; Chiến sĩ công an nhân dân ...
+ Đối với cấp tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh; Chánh thanh tra Sở xây dựng; thanh tra viên Sở Xây dựng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng.
* Về đối tượng có hành vi vi phạm hành chính bị lập Biên bản VPHC: Cá nhân, tổ chức.
+ Cá nhân: hộ gia đình, cộng đồng dân cư, công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch.
+ Tổ chức bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật, Cơ sở tôn giáo.
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây: Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ).
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước (Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ).
Lưu ý: Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định:
- Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới.
2. Xác minh:
- Thời điểm tiến hành xác minh: Trước hoặc sau khi lập biên bản vi phạm; có thể được thực hiện cùng với các trình tự, thủ tục xử phạt tiếp theo cho đến khi ra quyết định xử phạt.
- Về hình thức: Việc xác minh phải thực hiện bằng văn bản theo mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP
- Đối với vi phạm trong lĩnh vực đất đai: Người có thẩm quyền lập biên bản phải xác định tính chất, mức độ của hành vi VPHC theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và ghi rõ vào biên bản VPHC để xác định thẩm quyền xử phạt và làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
- Nội dung xác minh đối với vi phạm trong đất đai và xây dựng: Người có thẩm quyền lập biên bản phải tiến hành xác minh:
+ Có hay không có vi phạm hành chính;
+ Về nhân thân (ngày tháng năm sinh; số CMND/ hộ chiếu...);
+ Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
+ Xác minh về trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: theo quy định tại Khoản 1, Điều 65 của Luật XLVPHC (Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính ); không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt; cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm).
Lưu ý: Về thời hiệu, thời hạn: Điều 6 và Điều 66 của Luật XLVPHC, Điều 5 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
- Về thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực đất đai; trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà và công sở là 02 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, đối với vi phạm hành chính đang thực hiện thì từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử phạt trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng là 01 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, đối với vi phạm hành chính đang thực hiện thì từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
- Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 66 của Luật XLVPHC. Cụ thể:
+ Thông thường 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
+ 30 ngày, kể từ ngày từ ngày lập biên bản: Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật (khoản 2 quy định về giải trình bằng văn bản; khoản 3 quy định về giải trình trực tiếp đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức).
+ 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản: Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. (Người có thẩm quyền phải ban hành văn bản gia hạn)
3. Về thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt
a) Đối với lĩnh vực đất đai
Việc xác định thẩm quyền xử phạt được căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC; theo quy định tại các Điều 4 (khoản 3, 4), các Điều 31, 32, 33 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, cụ thể:
Khoản 2 Điều 52 Luật XLVPHC quy định “Thẩm quyền phạt tiền các chức danh từ Điều 38 đến Điều 51 được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể”
Khoản 4 (Điểm b) Điều 52 Luật XLVPHC quy định “Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.”.
Khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định: “3. Khung phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng cho cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, Khoản 3 Điều 21, Điều 22, Điều 23, Khoản 2 Điều 25, Điều 26 và Điều 30 của Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng cho tổ chức.
4. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
- Đối với cấp xã:
Khoản 1 Điều 31 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị không vượt quá 5 triệu; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ví dụ: Các hành vi VPHC tại Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì theo nguyên tắc trên, Chủ tịch UBND xã không có thẩm quyền xử phạt hành vi Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ( vì đối với hành vi VPHC ở khoản 1, 2, 3 Điều 10 có 01 biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã đó là “Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm..”, áp dụng Khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC thì biện pháp khắc phục này vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã đã quy định tại khoản 1 Điều 31 đã trích dẫn trên ).
- Đối với cấp huyện:
Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50 triệu; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị không vượt quá 50 triệu; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả...
(Lưu ý: phần gạch chân này là để xác định chỉ có Chủ tịch UBND cấp huyện mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp KPHQ được gạch chân (liên quan đến việc xác định thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt theo khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC đã nêu ở trên)).
Ví dụ: Các hành vi VPHC tại Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, áp dụng theo nguyên tắc trên, nếu đối chiếu theo mức phạt thì sẽ có hành vi vi phạm ở khoản 1, khoản 2 Điều 10 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, tuy nhiên khi xem xét khoản 4 Điều 10 về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì hành vi vi phạm ở khoản 1, khoản 2 Điều 10 đều bị áp dụng biện pháp “Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm...”, do đó căn cứ theo Khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt (chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền ban hành Quyết định vì không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”.
b)Đối với hoạt động xây dựng:
Việc xác định thẩm quyền xử phạt được căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC; theo quy định tại các Điều 4 (khoản 3), Điều 70, Điều 75, Điều 76, Điều 77, Điều 78 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 52 Luật XLVPHC quy định “Thẩm quyền phạt tiền các chức danh từ Điều 38 đến Điều 51 được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể”
Khoản 4 (Điểm b) Điều 52 Luật XLVPHC quy định “Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.”.
Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định “ Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, điểm a và điểm b khoản 3, điểm a và điểm b khoản 4, điểm a và điểm b khoản 5, khoản 7, điểm a và điểm b khoản 8, điểm a và điểm b khoản 9 Điều 15; khoản 1 Điều 23; điểm a khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, điểm a và điểm b khoản 3 Điều 30; khoản 1 Điều 58; điểm a khoản 3 Điều 63; Điều 64; khoản 1 (trừ điểm e) Điều 66 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”.
- Đối với cấp xã:
Điều 76 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định: Chủ tịch UBND cấp xã: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10 triệu (lưu ý đây là mức phạt tối đa đối với tổ chức, khi phạt cá nhân phải giảm ½, cần xem xét khoản 3 Điều 4 nêu trên); áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường; những biện pháp khác được quy định tại Nghị định.
Ví dụ: Các hành vi VPHC tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; áp dụng việc xác định thẩm quyền theo nguyên tắc trên, Chủ tịch UBND xã chỉ có thẩm quyền xử phạt hành vi ở khoản 1; điểm a khoản 3 Điều 15.
Các hành vi VPHC tại Điều 16 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP theo nguyên tắc trên, Chủ tịch UBND xã chỉ có thẩm quyền xử phạt hành vi ở khoản 1 Điều 16.
- Đối với cấp huyện:
Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 100 triệu (lưu ý đây là mức phạt tối đa đối với tổ chức, khi phạt cá nhân phải giảm ½, cần xem xét khoản 3 Điều 4); tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; những biện pháp khác được quy định tại nghị định.
(Lưu ý: phần gạch chân này là để xác định điều nào quy định mức phạt tiền có thể thuộc chủ tịch UBND xã, nhưng hành vi đó mà có biện pháp KPHQ được gạch chân thì là thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch huyện, cấp xã phải chuyển hồ sơ trình chủ tịch huyện ký quyết định xử phạt.
Ví dụ: Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền phạt tiền đối với VPHC tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên tại Khoản 11 Điều 15 quy định BPKPHQ “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2..”. Căn cứ Điều 76 (đặc biệt khoản 3), Điều 77 (khoản 4) thì BPKPHQ trên thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND huyện, do đó áp dụng Điểm b khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC thì hồ sơ xử phạt chuyển lên chủ tịch UBND huyện ban hành).
Ví dụ: Các hành vi VPHC tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; áp dụng việc xác định thẩm quyền theo nguyên tắc trên, Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi ở khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, các điểm a, b khoản 8, điểm a khoản 9.
Các hành vi VPHC tại Điều 16 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP theo nguyên tắc trên, Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi ở khoản 1 đến khoản 5 Điều 16.
- Đối với cấp tỉnh:
+ Thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên xây dựng:
Điều 71 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên xây dựng: phạt Cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.000.000 đồng; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường).
+ Thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành
Điều 72 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng: phạt Cảnh cáo; Phạt tiền đến 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; những biện pháp khác).
+ Thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Sở Xây dựng
Điều 73 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng: phạt Cảnh cáo; Phạt tiền đến 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; những biện pháp khác).
+ Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh
Điều 78 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh: phạt Cảnh cáo; Phạt tiền đến 300.000.000 đồng đối với lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng đối với lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; những biện pháp khác).
- Thẩm quyền xử phạt khác:
Điều 75 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền xử phạt thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Điều 6 xử phạt hành vi chống đối hoặc cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng).
4. Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Người có thẩm quyền sau khi đã tiến hành đầy đủ các bước trên, tiến hành lập dự thảo Quyết định xử phạt trình người có thẩm quyền xử phạt:
- Mẫu Quyết định xử phạt thực hiện theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP. Riêng đối với hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 15 và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (XPVPHC hoạt động xây dựng) thì quyết định theo mẫu số 02 kèm theo Thông tư số 03/2018/TT-BXD.
Lưu ý: Trường hợp không ra quyết định xử phạt theo khoản 1 Điều 65 của Luật XLVPHC. Nếu hành vi vi phạm đó trong Nghị định quy định xử phạt bổ sung hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.... thì tiến hành lập dự thảo quyết định theo mẫu số 12, mẫu số 13, mẫu số 14 của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP.
- Người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét lại hồ sơ xử phạt để xác định về đối tượng, hành vi vi phạm, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thời hạn... khi có đủ đầy đủ căn cứ thì ký ban hành Quyết định.
Trường hợp sau khi ban hành Quyết định xử phạt mà phát hiện có sai sót, nhầm lẫn thì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo quy định tại Điều 6a, Điều 6b, Điều 6c Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ.
5. Gửi, thi hành quyết định xử phạt VPHC (Điều 70, 73 Luật)
- Gửi Quyết định XPVPHC cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định (gửi thư bảo đảm hoặc gửi trực tiếp (phải lập biên bản có ký nhận giữa người giao quyết định và cá nhân/tổ chức bị xử phạt; trường hợp họ không nhận thì lập biên bản theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).
- Cá nhân/tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định XPVPHC trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định XPVPHC (tính theo ngày nhận ký ở biên bản giao nhận hoặc ký nhận ở phiếu gửi bảo đảm). Trường hợp Quyết định XPVPHC quy định ngày thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn ghi trong Quyết định XPVPHC đó.
Lưu ý: Nếu sau khi nhận Quyết định cá nhân/tổ chức sau khi nhận quyết định quá thời hạn thi hành (10 ngày) mà vẫn chưa thi hành thì người được giao nhiệm vụ đôn đốc cá nhân/tổ chức phải thực hiện đôn đốc thi hành Quyết định, mỗi lần đôn đốc đều lập biên bản, ký xác nhận (ký của người đôn đốc, ký người vi phạm, nếu người vi phạm không ký thì ghi rõ lý do và mời trưởng thôn, khối phó hoặc người chứng kiến ký (để chứng kiến cho việc công chức được giao nhiệm vụ đã đôn đốc cá nhân/ tổ chức thi hành quyết định).
6. Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt VPHC
- Qúa thời hạn thi hành Quyết định XPVPHC (quá 10 ngày hoặc quá thời hạn được ghi trong quyết định xử phạt) mà cá nhân/tổ chức không tự nguyện thi hành thì người đã ban hành quyết định xử phạt ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt.
Lưu ý: Trước khi ban hành Quyết định cưỡng chế, cần thực hiện việc rà soát lại trình tự, thủ tục xử phạt, xác định rõ việc gửi quyết định xử phạt; Báo cáo về việc đã đôn đốc cá nhân/ tổ chức bị xử phạt thi hành quyết định nhưng đến nay vẫn họ vẫn cố tình không thi hành.
- Thẩm quyền ra Quyết định cưỡng chế:
Những người quy định tại Điều 87 Luật XLVPHC có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định xử phạt của cấp dưới trong các trường hợp:
+ Cấp dưới không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế;
+ Cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế.
- Ban hành quyết định cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 38)
+ Cá nhân, tổ chức vừa không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vừa không chấp hành một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, thì người có thẩm quvền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đồng thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 hoặc 4 Chương II và Mục 5 Chương II Nghị định 166/2013/NĐ-CP đối với cá nhân, tổ chức đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
+ Trong trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc chỉ chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 và 4 Chương II hoặc Mục 5 Chương II Nghị định 166/2013/NĐ-CP đối với cá nhân, tổ chức đó.
- Trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (xác minh hiện trạng; xây dựng kế hoạch, phương án cưỡng chế.....).

Thành phần hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

(Dùng để tham khảo)

 

TT

                                  NỘI DUNG      

BIỂU MẪU

1

Biên bản kiểm tra; Biên bản làm việc…

 

2

- Hồ sơ pháp lý về đất đai như: các văn bản về đất đai; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp xã, cấp huyện …

- Các giấy tờ liên quan đến đối tượng vi phạm như: Chứng minh thư nhân dân; giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy thành lập doanh nghiệp…

 

3

Biên bản vi phạm hành chính

mẫu Biên bản số 01 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP 

4

Biên bản xác minh

mẫu Biên bản số 15 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

5

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

mẫu Quyết định số 02 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

6

Bên bản giao nhận Quyết định xử  phạt hoặc thư bảo đảm còn lưu thể hiện việc gửi Quyết định xử phạt

 

7

Biên lai thu tiền phạt

 

8

Biên bản kiểm tra ghi nhận thực hiện Biện pháp khắc phục hậu quả

 

9

Biên bản đôn đốc thi hành Quyết định xử phạt

 

10

Quyết định cưỡng chế (Cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phn thu nhập để thi hành Quyết định xử phạt; Cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản để thi hành Quyết định xử phạt; Cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để thi hành Quyết định xử phạt; Cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả)

mẫu các Quyết định từ mẫu số 06 đến mẫu số 10; mẫu Quyết định số 13 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

11

Kế hoạch cưỡng chế

 

12

Phương án cưỡng chế

 

13

Biên bản cưỡng chế

mẫu các Biên bản cưỡng chế từ số 04 đến số 06 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP 

                                                

Thành phần hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

(Dùng để tham khảo)

 

 

TT

                                  NỘI DUNG      

BIỂU MẪU

1

Biên bản kiểm tra; Biên bản làm việc…

 

2

- Hồ sơ liên quan đến hoạt động xây dựng như: các văn bản liên quan đến xây dựng; Quy hoạch xây dựng đối với khu dân cư…

- Các giấy tờ liên quan đến đối tượng vi phạm như: Chứng minh thư nhân dân; giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy thành lập doanh nghiệp…

 

3

Biên bản vi phạm hành chính (áp dụng cho tất cả các hành vi vi phạm, trừ hành vi vi phạm tại Khoản 12, 13 Điều 15)

mẫu Biên bản số 01 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP 

 Biên bản VPHC : đối với hành vi vi phạm tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP

mẫu Biên bản số 01 Thông tư số 03/2018/TT-BXD

 

4

Biên bản xác minh

mẫu Biên bản số 15 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

5

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (áp dụng cho tất cả các hành vi vi phạm, trừ hành vi vi phạm tại Khoản 12, 13 Điều 15)

mẫu Quyết định số 02 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

Đối với lĩnh vực xây dựng: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: đối với hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 15  và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP

mẫu Quyết định số 02 Thông tư số 03/2018/TT-BXD

6

Bên bản giao nhận Quyết định xử  phạt hoặc thư bảo đảm còn lưu thể hiện việc gửi Quyết định xử phạt

 

7

Biên lai thu tiền phạt

 

8

Biên bản kiểm tra ghi nhận thực hiện Biện pháp khắc phục hậu quả

 

9

Đối với lĩnh vực xây dựng: Biên bản Kiểm tra, ghi nhận về s phù hợp của hiện trạng công trình xây dựng với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh

mẫu Biên bản số 04 Thông tư số 03/2018/TT-BXD

10

Biên bản đôn đốc thi hành Quyết định xử phạt

 

11

Quyết định cưỡng chế (Cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phn thu nhập để thi hành Quyết định xử phạt; Cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản để thi hành Quyết định xử phạt; Cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để thi hành Quyết định xử phạt; Cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả)

mẫu các Quyết định từ mẫu số 06 đến mẫu số 10 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

12

Kế hoạch cưỡng chế

 

13

Phương án cưỡng chế

 

14

Biên bản cưỡng chế

mẫu các Biên bản cưỡng chế từ số 04 đến số 06 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP 

 Tải về: Tại đây

Các tin khác