QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

236 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 900

  • Tổng 6.546.420

Một số chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 3 năm 2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+

   1. Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Thông tư hướng dẫn, danh sách chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn được tính vào việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Các chương trình bồi dưỡng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các khóa tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài. Ngoài ra, thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn nêu trên được cộng dồn để tính thời gian thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Trường hợp khóa bồi dưỡng, tập huấn tổ chức kéo dài sang năm sau thì được tính vào việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm của năm mà khóa bồi dưỡng, tập huấn bắt đầu.

Thông tư số 01/2018/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

2. Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

Theo Thông tư này, ô tô đã qua sử dụng phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe; Riêng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra đối với từng lô xe nhập khẩu. Hồ sơ đăng ký kiểm tra đối với xe chưa qua sử dụng phải có bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện ô tô đã qua sử dụng có sự thay đổi từ nước ngoài về một số thông số kỹ thuật hoặc kết cấu so với xe xuất xưởng ban đầu của nhà sản xuất thì doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất trình các tài liệu của cơ quan quản lý phương tiện nước ngoài với xe đã thay đổi. Khối lượng xe trong trường hợp này không được lớn hơn giá trị nêu trong tài liệu. Bên cạnh đó, việc triệu hồi không chỉ áp dụng theo công bố của nhà sản xuất, ô tô còn được triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi này thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.

Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

3. Thông tư số 06/2018/TT-BTC ngày 24/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017 của Bộ Tài chính quy định tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước.

Theo Thông tư này, việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và được ghi trong dự toán ngân sách hằng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và để trả nợ gốc của ngân sách địa phương được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hằng năm. UBND tỉnh được tạm ứng ngân quỹ Nhà nước nhưng phải cam kết sử dụng đúng mục đích và phải hoàn trả chậm nhất vào ngày 31-12 của năm phát sinh đề nghị tạm ứng và các cam kết khác. UBND cấp tỉnh tạm ứng ngân quỹ Nhà nước phải thanh toán khoản chi phí sử dụng ngân quỹ Nhà nước cho Kho bạc Nhà nước định kỳ hàng tháng với mức áp dụng thống nhất là 0,21%/tháng, chậm nhất vào ngày 10 của tháng liền kề sau tháng phải thanh toán; chi phí sử dụng ngân quỹ Nhà nước quá hạn bằng 150% mức chi phí sử dụng.

Thông tư số 06/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/3/2018.

4. Thông tư số 09/2018/TT-BTC ngày 25/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 284/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản.

 Thông tư quy định, tổ chức thu lệ phí gồm: Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức thu phí gồm: Tổng cục Thủy sản; Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận vật tư nuôi trồng thủy sản nhập khẩu là 470.000 đồng + Số  lượng mẫu x 80.000 đồng/mẫu, thay vì 500.000 đồng + Số lượng mẫu x 90.000 đồng/mẫu như quy định trước đây. Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm vật tư nuôi trồng thủy sản trong trường hợp đăng ký lại/gia hạn được Thông tư này quy định là 500.000 đồng/lần/sản phẩm, thay vì 530.000 đồng/lần/sản phẩm như quy định cũ.

Thông tư số 09/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/03/2018.

5. Thông tư số 10 /2018/TT-BTC ngày 30/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.

Theo Thông tư quy định: việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau: Nếu hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất đó thì phải nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích tăng thêm do đo đạc lại theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, trong trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định do lỗi của cơ quan Nhà nước thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận cũ. Trường hợp do lỗi của người sử dụng đất, tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mới.

Thông tư số 10/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/3/2018.

6. Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo Thông tư quy định: người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định cũ: đối tượng này cần phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này). Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây. Ngoài ra, về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ chỉ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

Thông tư số 26/2017/TT-NHNNcó hiệu lực từ ngày 03/3/2018.

7. Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Thông tư quy định: tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ; đối với thuê bao trả sau, không được vượt quá 50%. Như vậy, từ thời điểm 01/03/2018, các nhà mạng chỉ được khuyến mại đến tối đa 20% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả trước và tối đa 50% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả sau. Cũng theo Thông tư, khách hàng thường xuyên của dịch vụ thông tin di động được quy định bao gồm: Thuê bao di động trả sau, bao gồm cả thuê bao trả trước chuyển sang trả sau trong thời gian thực hiện chương trình khách hàng thường xuyên; thuê bao di động trả trước đã sử dụng dịch vụ liên tục tối thiểu 01 năm, có tổng giá cước đã thanh toán từ khi đăng ký thuê bao tối thiểu là 01 triệu đồng. Các nhà mạng tổ chức khuyến mại giảm giá cho đối tượng khách hàng thường xuyên nêu trên vẫn phải đồng thời tuân thủ quy định đối với chương trình khuyến mại giảm giá.

Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

8. Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Theo Thông tư này, một số yêu cầu trong nội dung kê đơn thuốc được hướng dẫn cụ thể như sau: Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong Sổ khám của người bệnh. Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú. Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, tên và số CMND/CCCD của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ trẻ. Kê đơn thuốc có một hoạt chất: Theo tên chung quốc tế (INN, generic); theo tên chung quốc tế + (tên thương mại). Thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại. Ghi tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng/thể tích, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc; nếu đơn thuốc có độc thì phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác. Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn theo hướng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; ký tên, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn.

Thông tư số 52/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

Phòng Tư pháp

Các tin khác