QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
     

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

236 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 1385

  • Tổng 6.512.583

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Xem với cỡ chữ : A- A A+

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cụ thể:
1. Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa quy định của Hiến pháp
Điều 14 Hiến pháp quy định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Điều 23 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, các quyền về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân chưa được luật hóa, mà mới được quy định tại nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ (ban hành trước khi Hiến pháp được bổ sung, sửa đổi). Do đó, để phù hợp với quy định của Hiến pháp thì việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết.
2. Xuất phát từ yêu cầu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Từ năm 1959 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải…) đã xây dựng, ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều nghị định, thông tư quy định về việc cấp giấy tờ, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của đất nước. Hiện nay, việc giải quyết cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007, Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ và 09 Thông tư (05 của Bộ Công an, 01 của Bộ Ngoại giao, 02 liên tịch Công an - Ngoại giao, 01 liên tịch Công an - Quốc phòng - Lao động, Thương binh và Xã hội - Ngoại giao), quy định hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều luật để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật Hàng hải, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Quốc tịch…), cụ thể:
+ Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 56/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch số 24/2008/QH12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam, trong đó quy định trình tự, thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
+ Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định “tạm hoãn xuất cảnh” là một trong các biện pháp ngăn chặn (Điều 109), đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Điều 113 và Điều 124). Ngoài ra, thời gian qua nhiều Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung được ban hành, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, đòi hỏi các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh phải tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật này, như: Luật Hàng hải (bỏ quy định về hộ chiếu thuyền viên), Luật Căn cước công dân (quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân, cấp căn cước công dân)....
+ Hiện nay, liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, ngày 16/6/2014 Quốc hội đã ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thủ tục cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vẫn được thực hiện theo nghị định và các thông tư.
Do vậy, cần phải ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện của hệ thống pháp luật và giảm thiểu các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành.
3. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay
- Xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:
+ Số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng (2007: 1,9 triệu; 2008: 2,6 triệu; 2010: 3,2 triệu; 2013: 6,1 triệu; 2016: 7,7 triệu; 2017: 9,2 triệu). Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục. Trước những năm 2000, công dân có nhu cầu xuất cảnh mới được xem xét cấp hộ chiếu, kèm theo giấy tờ chứng minh mục đích xuất cảnh. Nay, công dân có nhu cầu cấp hộ chiếu đều được xem xét, không yêu cầu phải khai mục đích xuất cảnh.
+ Để đảm bảo thời hạn cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và công dân không phải mất thì giờ chờ đợi khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh như máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành, cửa kiểm soát tự động…
- Xuất phát từ yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh:
+ Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử). Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh về loại hộ chiếu này. Do đó, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
+ Luật căn cước công dân quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, trong đó bao gồm toàn bộ thông tin về nhân thân của mỗi công dân. Do vậy, cần phải nghiên cứu, áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ để khai thác, chia sẻ các thông tin đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, phục vụ việc cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích
- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh.
- Tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh.
- Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
2. Quan điểm
- Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh.
- Kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung những quy định mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
1. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đảm bảo tiến độ, có chất lượng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Đã sưu tầm, nghiên cứu, dịch sang tiếng Việt luật của 14 nước (Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nga, Đức, Mỹ…) liên quan đến việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm soát xuất nhập cảnh; rà soát, thống kê, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.
3. Đã chỉ đạo Ban soạn thảo lấy ý kiến 22 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 12 chuyên gia, nhà khoa học; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân về dự thảo hồ sơ dự án Luật (Tờ trình, Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách); xây dựng bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia.
4. Đã giao Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định đối với dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
5. Trên cơ sở các ý kiến tham gia và thẩm định, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý dư án Luật. Ngày 08/3/2019, đã tổ chức họp các thành viên Chính phủ thảo luận, tham gia ý kiến và thông qua dự án Luật để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.
6. Ngày 03/4/2019, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật; ngày 17/4/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến đối với dự án Luật. Chính phủ đã chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ của các đại biểu, bổ sung, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến.
IV. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM
Ngày 22/11/2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam với 442 đại biểu tán thành, chiếm 91.51%. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân. Nội dung của Luật có nhiều điểm mới, cải tiến, đơn giản hóa so với quy định hiện hành.
1. Bố cục của Luật
Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 chương, 52 điều.
- Chương I: Những quy định chung từ Điều 1 đến Điều 5 quy định về phạm vi điều chỉnh giải thích từ ngữ; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam
- Chương II: Giấy tờ xuất nhập cảnh từ Điều 6 đến Điều 7 quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh và thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh.
- Chương III. Cấp, chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh từ Điều 8 đến Điều 22gồm 05 mục, cụ thể:
- Mục 1:Cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao; đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ; điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước và cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài.
- Mục 2: Cấp hộ chiếu phổ thông quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông; cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài
- Mục 3:Cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn và cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.
- Mục 4: Cấp giấy thông hành quy định về đối tượng được cấp giấy thông hành và cấp giấy thông hành
- Mục 5: Chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh quy định về trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh.
- Chương IV: Quản lý, sử dụng, thu hồi, hủy, khôi phục giấy tờ xuất nhập cảnh từ Điều 23 đến Điều 32 gồm 02 mục, cụ thể:
- Mục 1: Quản lý, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh quy định về trách nhiệm của người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; sử dụng hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành.
- Mục 2: Thu hồi, hủy, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu quy định về ác trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu;hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất; thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đối với người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đối với trường hợp không còn thuộc đối tượng được sử dụng; thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm; khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông.
- Chương V: Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh từ Điều 33 đến Điều 39 quy định về điều kiện xuất cảnh; điều kiện nhập cảnh; kiểm soát xuất nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnhvà trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
- Chương VI: Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam từ Điều 40 đến Điều 43 quy định về yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Chương VII: Trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam từ Điều 44 đến Điều 50 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Chương VIII: Điều khoản thi hành từ Điều 51 đến Điều 52 quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
2. Nội dung cơ bản của Luật
2.1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:
1. Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
2. Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
3. Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
4. Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
5. Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
6. Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
7. Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
8. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ, phí, lệ phí, kéo dài thời hạn khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
9. Cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng; không ngăn chặn theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
10. Hủy hoại, làm sai lệch, làm lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật.
11. Thu giữ, không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, giải quyết xuất cảnh trái quy định của pháp luật.
2.2. Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân
1. Công dân Việt Nam có các quyền sau đây:
a) Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
b) Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử;
c) Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
d) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác;
e) Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Công dân Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài;
b) Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
c) Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh;
d) Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
3. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
2.3. Chỉ còn 4 loại giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, giấy tờ xuất nhập cảnh chỉ gồm 04 loại sau:
- Hộ chiếu ngoại giao;
- Hộ chiếu công vụ;
- Hộ chiếu phổ thông;
- Giấy thông hành.
Theo đó, giấy tờ xuất nhập cảnh không còn bao gồm Hộ chiếu thuyền viên nữa. Đồng thời, Luật cũng chỉ gọi chung là Giấy thông hành thay vì 04 loại Giấy thông hành như hiện nay (Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương; Giấy thông hành).
2.4. Quy định thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh
1. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
2. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
3. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
2.5. Quy định cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước
1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam này;
c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;
d) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
3. Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
4. Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể lựa chọn thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:
a) Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;
b) Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;
c) Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
d) Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.
5. Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
6. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai, ảnh chân dung, giấy tờ liên quan; kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu; cấp giấy hẹn trả kết quả.
7. Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả kết quả cho người đề nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả kết quả cho người đề nghị. Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Trường hợp chưa cấp hộ chiếu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
8. Người đề nghị cấp hộ chiếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.Riêng người có thẻ Căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
Như vậy, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.Đồng thời, người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông từ lần thứ 02 cũng sẽ được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.Thay vì, như hiện nay, chỉ trường hợp cấp lại hộ chiếu còn thời hạn mới được làm thủ tục tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an còn hộ chiếu hết hạn sẽ phải về Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Hiện nay, trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc của mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó, có thời hạn 05 năm (khoản 3 Điều 5 Nghị định 136/2007NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 94/2015/NĐ-CP).Tuy nhiên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 không đề cập tới việc cấp chung hộ chiếu. Theo đó, hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Đây là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
2.6. Có 4 trường hợp cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn
Hộ chiếu phổ thông được cấp theo thủ tục rút gọn cho các đối tượng sau:
1. Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay.
2. Người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu.
3. Người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân.
4. Người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, hộ chiếu không gắn chíp điện tử cũng sẽ được cấp theo thủ tục rút gọn. Theo đó, hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
2.7. Quy định đối tượng được cấp giấy thông hành
1. Công dân Việt Nam cư trú ở đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.
2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.
3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở trung ương, địa phương khác nhưng có trụ sở đóng tại tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.
Người đề nghị cấp giấy thông hành nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không cấp giấy thông hành, cơ quan có thẩm quyền hoặc người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lời và nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.
Công an xã, phường, thị trấn, công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh tiếp giáp đường biên giới với nước láng giềng cấp giấy thông hành cho các trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này.
Người đề nghị cấp giấy thông hành nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trường hợp không cấp giấy thông hành, cơ quan có thẩm quyền hoặc người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lời và nêu rõ lý do cho người đề nghị biết. Công an xã, phường, thị trấn, công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh tiếp giáp đường biên giới với nước láng giềng cấp giấy thông hành cho các trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
2.8. Những trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh
1. Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm do cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh; làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài; tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh; sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định; cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
2. Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh
3. Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
2.9. Sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
1. Người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong trường hợp đi nước ngoài theo quyết định cử hoặc văn bản đồng ý của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 06 tháng.
2. Việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đi công tác nước ngoài phù hợp với quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài.
2.10. Sử dụng hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành
1. Công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu phổ thông được sử dụng hộ chiếu phổ thông để xuất cảnh, nhập cảnh, trừ trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
2. Công dân Việt Nam được cấp giấy thông hành được sử dụng giấy thông hành để qua lại biên giới và hoạt động tại nước láng giềng theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước có chung đường biên giới, trừ trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
2.11.Các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu
1. Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất
2. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
3. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn thời hạn đối với trường hợp không còn thuộc đối tượng được sử dụng.
4. Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đã cấp cho người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
1.12.Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất
1. Việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định như sau:
a) Cơ quan quản lý trực tiếp của người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ gửi thông báo bằng văn bản việc mất hộ chiếu trong thời gian sớm nhất cho Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền cấp hộ chiếu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi;
b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo mất hộ chiếu, Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền cấp hộ chiếu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hủy giá trị sử dụng hộ chiếu và thông báo theo mẫu cho cơ quan gửi thông báo và Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
2. Việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
a) Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng;
b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn báo mất hộ chiếu phổ thông, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thông báo theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và người gửi đơn. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thực hiện hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.
2.13. Quy định về khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông
1. Hộ chiếu phổ thông đã bị hủy giá trị sử dụng do bị mất ở trong nước, sau khi tìm lại được còn nguyên vẹn và có thị thực do nước ngoài cấp còn thời hạn thì được xem xét khôi phục.
2. Người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm theo hộ chiếu và nộp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
3. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai với thông tin trong hộ chiếu và cấp giấy hẹn trả kết quả.
4. Việc khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông được thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả hộ chiếu đã được khôi phục giá trị sử dụng cho người đề nghị; trường hợp không đồng ý khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả hộ chiếu đã được khôi phục giá trị sử dụng cho người đề nghị; trường hợp không đồng ý khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.
2.14. Quy định về điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh
1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
2.15. Quy định 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh
1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.
9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
2.16. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
1. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật bao gồm:
a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; họ, chữ đệm và tên hiện dùng;
b) Ngày, tháng, năm sinh;
c) Giới tính;
d) Ảnh chân dung;
đ) Vân tay;
e) Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp giấy tờ xuất nhập cảnh;
g) Số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân;
h) Quá trình xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam;
i) Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh;
k) Thu hồi, hủy, khôi phục giá trị sử dụng của giấy tờ xuất nhập cảnh;
l) Các thông tin khác có liên quan.
2. Việc thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.Giấy tờ xuất nhập cảnh đã được cấp trước ngày Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất nhập cảnh.

Tải về: Tại đây

 

Các tin khác